Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

THÔNG TIN VỀ BỆNH VIÊM DA DẦU


Viêm da dầu là một bệnh da sẩn vảy rất thường gặp, chiếm khoảng hơn 5% dân số, bệnh thường xảy ra ở nam giới. Bệnh có đặc điểm là đỏ da từ nhẹ đến nặng, thường kèm theo vảy mỡ dày và viêm nhẹ. Vị trí điển hình thường gặp là vùng da có nhiều tuyến bã, đặc biệt là ở mặt, tai, da đầu và vùng trên của thân.

Viêm da dầu thường diễn biến mạn tính và tái phát, thời gian khỏi bệnh ngắn nên đã có nhiều phương pháp điều trị được áp dụng. Điều trị viêm da dầu ở mặt chủ yếu là corticosteroid tại chỗ, thuốc kháng nấm hoặc kết hợp cả hai loại. Mặc dù steroid tại chỗ làm giảm nhanh các triệu chứng của viêm da dầu nhờ hoạt tính kháng viêm nhưng thường liên quan đến tác dụng phụ khi sử dụng kéo dài và sớm tái phát sau khi ngừng điều trị do vậy việc sử dụng thuốc bị hạn chế. Các thuốc kháng nấm tại chỗ cũng thường được sử dụng để làm giảm sự xâm nhập của các nấm men ưa mỡ, Malassezia(Pityrosporum ovale), nhưng hiệu quả kháng viêm của các thuốc này xuất hiện chậm hơn so với Steroid tại chỗ.

Pimecrolimus kem 1% là một dạng thuốc bôi mới (macrolactam) có tác dụng điều hoà miễn dịch tại chỗ được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm da cơ địa nhờ tác dụng ức chế hoạt hoá của tế bào T và sản sinh Cytokine tiền viêm. Thuốc này cũng cho thấy có hiệu quả trong điều trị các bệnh da có viêm khác. Crurchfield đã đề nghị Pimecrolimus kem 1% có thể được sử dụng như là một trị liệu hiệu quả viêm da dầu ở mặt. Rigopoulos và cộng sự đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng mở ngẫu nhiên với Pimecrolimus kem 1% và Betamethasone 17-valerate kem 0,1 kết quả cho thấy Pimecrolimus có thể là thuốc thay thế tuyệt vời trong điều trị viêm da dầu. Ơ đây chúng tôi giới thiệu sự đáp ứng nhanh và chắc chắn với Pimecrolimus trong điều trị viêm da dầu.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

THỜI TIẾT CŨNG LÀ TÁC NHÂN GÂY VIÊM DA...


Thời tiết nắng nóng đột ngột khiến cho số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh ngoài da tăng đột biến. Mới đầu mùa hè mà Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) hằng ngày đã phải tiếp rất nhiều bệnh nhân đến khám với triệu chứng mẩn ngứa khắp người. Và nguyên nhân lại là…

Vì sao lại bị viêm da?

BS. Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, da là một cơ quan đặc biệt, bao phủ hầu hết bề mặt của cơ thể và tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống nên rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Các bệnh lý viêm da không do nhiễm khuẩn (còn được gọi là chàm hoặc eczema) là một trong những biểu hiện bệnh lý ở da thường gặp nhất. Đây là một nhóm gồm nhiều loại bệnh với các nguyên nhân khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm nông trên bề mặt của da, gây ra các biểu hiện ngứa, nề đỏ, nổi mụn nước, khi vỡ gây tiết dịch và đóng vảy. Các dạng viêm da grain gặp nhất là viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dầu, viêm da thần kinh, tổ đỉa và đỏ da toàn thân. Biến chứng thường gặp nhất của tất cả các thể viêm da này là dày da do gãi nhiều và nhiễm trùng tại các vết trợt loét do vệ sinh kém. Về nguyên nhân, viêm da chính là một phản ứng của da trước các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, các sang chấn cơ học và hóa học trên da hoặc các loại kháng nguyên gây dị ứng cho da.

Mặc dù các bệnh viêm da không do nhiễm khuẩn đều không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và không lây lan nhưng thường diễn biến rất dai dẳng và gây ra khá nhiều phiền toái cho người bệnh.

Viêm da thần kinh gây ra do tình trạng gãi hoặc chà xát kéo dài tại một vị trí. Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 20 – 50. Nguyên nhân đầu tiên gây ngứa thường do viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng, nhưng sau khi nguyên nhân đã được giải quyết, người bệnh vẫn tiếp tục gãi ở vị trí cũ (có thể do yếu tố tâm lý). Bản thân động tác gãi có thể làm ngứa tăng lên và càng thúc đẩy người bệnh gãi, hậu quả là làm cho vùng da tại chỗ trở nên dày và nâu sạm (liken hóa). Những đám da này có ranh giới tương đối rõ, thường nằm ở da đầu, cổ, cổ tay, vai, cánh tay và cổ chân.


Vào viện chỉ vì … gãi

BS. Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, viêm da thần kinh đến khám chữa bệnh thời gian này tăng đáng kể. Nguyên nhân chính là do thời tiết trong giai đoạn giao mùa, nắng nóng xảy ra đột ngột, cường độ ánh nắng mạnh, cơ thể ra nhiều mồ hôi nên các bệnh mạn tính ngoài da thường bị nặng lên rõ rệt.

Đáng nói, một số trường hợp đến thăm khám bị ngứa “đóng cục”, vết cũ chưa khỏi thì vết mới đã xuất hiện. Những bệnh nhân này thường làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, không kiêng kỵ được dẫn đến tổn thương kéo dài. Anh Nguyễn T.L, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) 5 ngày hôm nay, bị ngứa ở cổ, phần bụng gần bẹn. Theo thói quen, ngứa thì gãi, các vết ngứa rộng dần, tưởng gan bị nóng, anh L. uống thuốc mát gan, bột sắn, uống thuốc đông y mà cũng không khỏi. Cuối cùng, anh tìm đến Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai). Ở đây, anh được chẩn đoán là bị viêm da thần kinh.

Trường hợp ông Trịnh Văn T. ở Định Công, Hà Nội cũng vậy. Ông kể không hiểu sao cứ đến mùa hè là bị ngứa khắp người, đặc biệt là khuỷu tay, phía dưới đùi và các vùng bị cọ xát. Ban đầu ông tự ý đi mua thuốc về uống, bôi, nhưng không đỡ, các nốt xuất hiện chồng lên nhau và vết ngứa đã đóng thành mảng. Do công việc phải tiếp xúc thường xuyên với nước, không giữ vệ sinh sạch sẽ nên mỗi ngày ông lại bị ngứa thêm. Ông T. đến Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng khám khi vết ngứa đã sần sùi, lở loét.




Làm sao để phòng tránh?

BS. Nguyễn Hữu Trường khẳng định, việc điều trị các bệnh lý viêm da thường gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Cắt ngắn móng tay, mang găng cao su và hạn chế tối đa động tác gãi là điều hết sức quan trọng. Các loại kem hoặc mỡ cortisteroid bôi tại chỗ có tác dụng tốt giúp làm mềm da. Sử dụng các thuốc an thần hoặc gây ngủ có thể giúp giảm động tác gãi khi ngủ.

BS. Nguyễn Hữu Trường khuyên, khi thời tiết nóng bức người dân nên chủ động phơi hong chăn màn, giường chiếu, quần áo và các vật dụng khác trong gia đình để côn trùng không còn nơi trú ngụ. Giữ vệ sinh cá nhân, trời nóng nên tích cực rửa chân tay bằng nước sạch tránh để mồ hôi trên người quá lâu cũng có thể gây ngứa, nhất là các bệnh nhân có tiền sử ngứa theo mùa. Đồng thời, vệ sinh không gian nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không nên để các chậu cây cảnh um tùm lá, ẩm ướt trong nhà vì đó cũng có thể là nguồn khởi phát bệnh tật, ruồi muỗi gây bệnh… Bên cạnh đó, mọi người nên uống nhiều nước, ăn hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Với những bệnh nhân đã được khám cần dùng thuốc và thăm khám lại theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Khi có những triệu chứng khác lạ phải lập tức báo lại cho bác sĩ để có cách điều trị đúng, kịp thời.

NHỮNG TRIỆU CHỨNG VIÊM DA DẦU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ


1. Đại cương:
Là bệnh da thông thường, biểu hiện tình trạng viêm da mạn tính với vảy da bóng mỡ trên nền da đỏ xuất hiện ở vùng da có nhiều tuyến bã hoạt động như da đầu, mặt, vùng trước xương ức, vùng liên bả vai…Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Bệnh diễn biến dai dẳng với các đợt bùng phát. Tuy không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng bệnh có thể gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh.

Viêm da dầu được biết đến từ rất lâu với nhiều tên gọi khác nhau. Ở ViệtNam, trước đây viêm da dầu thường được gọi là chàm da dầu, chàm da mỡ…

Người nhiễm HIV/ AIDS tỷ lệ mắc bệnh viêm da dầu rất cao

2. Căn nguyên và cơ chế bệnh sinh

- Căn nguyên:

Căn nguyên của bệnh viêm da dầu chưa rõ ràng. Các yếu tố nội sinh và gen được coi là nguyên nhân của bệnh. Ngoài ra còn có vai trò của nấm.

- Cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm da dầu có thể theo một số giả thuyết sau:

+ Sự bất thường về vòng đời của các tế bào thượng bì: Sự di chuyển nhanh của tế bào thượng bì ra các lớp ngoài làm cho quá trình sừng hoá chưa kịp hoàn thiện.

+ Do nấm Malassezia: Gồm 7 loài M.furfur, M.sympodialis, M.obtusa, M.globosa, M.restricta, M.slooffiae và M.pachydermatis

- Một số yếu tố liên quan:

+ Viêm da dầu từng được coi là kết quả của sản xuất quá nhiều chất bã.

+ Thói quen gội đầu không thường xuyên.

+ Thói quen sử dụng thuốc và mỹ phẩm có chứa cồn gây khô da.

+ Thời tiết nóng ẩm hoặc lạnh khô.

+ Người béo bệu, có chế độ ăn nhiều chất béo.

+ Rối loạn thần kinh trung ương như Parkinson, liệt dây thần kinh sọ não, mất cảm giác rộng ở thân mình.

+ Stress, cơ thể suy nhược.

Một số bệnh da khác cũng thường hay phối hợp với bệnh viêm da dầu như trứng cá, trứng cá đỏ, vảy nến.

3. Biểu hiện của viêm da dầu

- Dát đỏ ranh giới không rõ trên có vảy da bóng mỡ màu vàng.

- Vị trí chủ yếu: Da đầu, sau tai, ống tai ngoài, rãnh mũi má, lông mày, bờ mi, vùng trước xương ức và vùng liên bả.

Một số vị trí ít gặp hơn như nách, kẽ dưới vú, rốn, bẹn, kẽ mông.

- Ngứa.